THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ DỰ ÁN CẢI TẠO ĐƯỜNG 2-9 ĐÀ NẴNG
Tuyến đường 2-9 là một trong những trục giao thông quan trọng của TP Đà Nẵng, nối liền cảng Tiên Sa với QL1A và QL14B, đồng thời còn là cửa ngõ phía Nam dẫn vào trung tâm TP nên hằng ngày mật độ phương tiện và người tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là đoạn đầu tuyến dài hơn 1km từ nút giao thông Bảo tàng Điêu khắc Chăm (giao với đường Bạch Đằng) đến nút giao thông giao với đường Nguyễn Văn Trỗi. Đoạn tuyến đường 2-9 này được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1998, trải qua thời gian dài phục vụ cộng với lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng rất nhanh cả về mặt lưu lượng lẫn tải trọng trục đường nên đến nay, đoạn đường này đã xuất hiện khá nhiều điểm hư hỏng làm giảm chất lượng khai thác, ảnh hưởng đến ATGT.





Theo Hồ sơ Khảo sát đánh giá do Công ty Cổ phần Tư vấn và ĐTXD ECC lập, các điểm hư hỏng mặt đường 2-9 có nhiều dạng như nứt mai rùa, nứt mạng lưới, nứt chân chim, nứt dọc (có khe nứt rộng hơn 2mm) với tổ hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chính là do lớp bê-tông nhựa với tuổi thọ hơn 12 năm sử dụng đã giảm tính đàn hồi, dễ nứt gãy dưới tác động của mưa nắng và lưu lượng giao thông ngày càng gia tăng; lớp móng cấp phối đá dăm ở nhiều vị trí bị phân tầng không đạt chất lượng yêu cầu; nền đường ở một số vị trí bị lún không đều trong quá trình khai thác... Nếu không sửa chữa kịp thời, các hư hỏng trên có thể phát triển lan rộng và sâu xuống dưới lớp nền, nhất là vào mùa mưa sẽ làm tăng lên kinh phí cải tạo, sửa chữa đường sau này.
Trên cơ sở đề nghị của Sở GTVT TP, trong tháng 5-2010, UBNDTP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương sửa chữa mặt đường đường 2-9 đoạn từ nút Bảo tàng Điêu khắc Chăm đến nút giao với đường Nguyễn Văn Trỗi, triển khai thi công vào tháng 6-2010 và hoàn thành việc sửa chữa đường trước mùa mưa năm 2010.
Giải pháp thi công sửa chữa đường theo Đồ án của đơn vị thiết kế Công ty Cổ phần Tư vấn và ĐTXD ECC đưa ra và đã được chấp thuận:
1. Với đoạn mặt đường hư hỏng nhẹ (nứt ngang dọc và nứt chân chim): giữ lại mặt đường bê-tông nhựa hiện trạng, xử lý các khe nứt và tái sinh lại mặt đường bằng hoạt chất tái sinh nhựa đường TL-2000 của Israel , sau đó, thảm lớp bê-tông nhựa nóng dày trung bình 5cm trên bề mặt đường đã được xử lý.



2. Tại các vị trí nứt ngang/dọc cục bộ (bề rộng khe nứt lớn hơn hoặc bằng 2mm): mở rộng khe nứt trên mặt thành hình chữ V, làm sạch bằng máy nén khí áp lực cao rồi dùng hoạt chất TL-2000 trộn với cát mịn theo tỷ lệ 1:1 chèn vào các khe nứt; tại các vị trí nứt mạng lưới dùng máy nén khí thổi sạch và vệ sinh khe nứt, láng một lớp nhựa TL-2000 với hàm lượng 1,5kg/m2; phạm vi mặt đường hiện trạng còn lại trong phần xe cơ giới: dùng máy nén khí thổi sạch bề mặt đường, láng một lớp nhựa TL-2000 với hàm lượng 1kg/m2 để trám các khe nứt chân chim và tái sinh lại mặt bê-tông nhựa cũ; sau thời gian láng hoạt chất TL-2000 ít nhất 3 ngày, tưới nhựa đính bám 0,3kg/m2 rồi thảm lớp bê-tông nhựa nóng dày trung bình 5cm.

3. Với các đoạn bị hư hỏng nặng (nhiều vị trí nứt mai rùa, nứt dọc ngang trên diện rộng): tiến hành xử lý gia cố tại chỗ bằng cách dùng máy phay chuyên dụng Sakai xáo xới lớp cấp phối đá dăm hiện hữu đến chiều sâu 20cm, trộn xi măng gia cố với hàm lượng 5% lu lèn chặt ở độ ẩm tính toán. Sau đó các diện tích này đã được thảm lại 2 lớp bê-tông nhựa.
Phương án 3 là phương án được chọn do các quan ngại về quy trình thi công và nghiệm thu lớp bê tông nhựa tái chế.
Ưu điểm của giải pháp đưa ra so với các phương pháp sửa chữa truyền thống:
- Đảm bảo tăng cường được cường độ chung của nền cũ do sử dụng lớp đá dăm gia cố xi măng. Với tính chất làm việc toàn khối, lớp vật liệu này phát huy hiệu quả phân tán tải trọng xe cộ truyền qua kết cấu áo đường lên nền đất không đồng nhất do có xử lý cát cục bộ trước đó.
- Lớp vật liệu cấp phối đá dăm gia cố xi măng có tác dụng ngăn sự thẩm thấu của nước ngầm hoạt động lên trên kết cấu áo đường
- Thời gian thi công nhanh do chỉ làm một lớp móng với thiết bị hiện đại.
- Giảm thiểu được tác động tiêu cực khi thi công lên nền đất hoặc cát xử lý đã cố kết trong thời gian dài.
- Tránh được việc phải xử lý nước ngầm khi đào sâu xuống dưới.
- Kinh phí thấp nhất, phù hợp với chủ trương nâng cấp đường theo thời gian phục vụ.
Một số hình ảnh thi công phần gia cố tại chỗ
Dùng máy đào bóc bỏ lớp BTN hư hỏng nặng đi đổ.
Máy gia cố đất Sakai được sử dụng để cày xới lớp móng cấp phối đá dăm tại chỗ và trộn đều với ximăng để gia cố
Xe bồn nước cung cấp nước cho máy phay để tưới xuống lớp móng thông qua hệ thống vòi phun trong buồng trộn
Xi măng gia cố được rải bằng thủ công lên mặt lớp cấp phối đá dăm trước khi phay
Vật liệu cấp phối đá dăm hiện hữu thành phần hạt không đạt, đúng như nhận định của Tư vấn ECC về nguyên nhân hư hỏng mặt đường ở một số vị trí.
Dùng máy phay chạy nhiều lượt để đánh tơi và trộn đều vật liệu cấp phối đá dăm và xi măng gia cố
Lu lèn mặt lớp cấp phối đá dăm đã gia cố xi măng bằng phương pháp trộn tại chỗ bằng máy phay Sakai
Một đoạn móng đường gia cố đã hoàn thiện, được bảo dưỡng bằng tưới nước trước khi thảm BTN
Tổng kinh phí đầu tư sửa chữa đoạn đường 2-9 là hơn 8,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP.
Toàn bộ dự án đã được hoàn thành và thông xe vào cuối tháng 8-2010. Cho đến nay sau hai năm khai thác, mặt đường vẫn phục vụ tốt ở trạng thái bình thường.
Đường 2-9 chụp tháng 9 năm 2012 - sau hai năm khai thác