Điệp khúc "làm xong lại sửa"
Theo số liệu khảo sát thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng HLVBX xảy ra ở hầu hết các trục đường quốc lộ ở cả ba miền có lưu lượng xe lớn và nhiều xe tải trọng nặng lưu thông. Căn bệnh này không loại trừ tuổi đời của các con đường, dù mới khánh thành hay đã vận hành trong thời gian dài. Còn nhớ, sau lễ thông xe "rình rang" ngày 18-5 chỉ khoảng chục ngày, người dân sống ven QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh) có chiều dài hơn 30 km, với tổng đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng đã phát hiện gần chín cây số HLVBX kéo dài tạo thành những rãnh lún... Tình trạng này cũng xuất hiện trên các tuyến mới đưa vào khai thác như đoạn QL 5, QL 1A đoạn Hà Nam - Thanh Hóa; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên... hay những dự án đã đưa vào khai thác sử dụng từ sáu đến tám năm như QL1A thuộc dự án WB, ADB...
Bệnh HLVBX mỗi ngày một trở nên nghiêm trọng bởi mức độ lan rộng cũng như sự khó khăn trong công tác "chữa trị" dứt điểm. Trong khi tiêu chuẩn cho phép xuất hiện HLVBX ở nhiều nước chỉ từ 10 đến 25mm (Ấn Độ 20 mm, Mỹ 25 mm, Ô-xtrây-li-a 20 mm...), thì ở Việt Nam, HLVBX có độ sâu 100 đến 150 mm, cá biệt lên tới 170 mm. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của bộ, ngành chức năng, doanh nghiệp... nếu không, điệp khúc "đường làm xong - ta lại sửa; sửa xong - lại lún; lún xong ta lại sửa..." sẽ còn kéo dài dài. Và điều ấy sẽ là mối hiểm họa, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông còn ám ảnh sinh mạng của người dân và sự vận hành an toàn của toàn hệ thống giao thông vận tải (GTVT)...
Thủ phạm giấu mặt
Hơn lúc nào hết, Bộ GTVT đang thể hiện ý chí "chiến đấu đến cùng" với HLVBX. Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo quyết liệt về việc cần phải sớm tìm ra nguyên nhân của căn bệnh trọng này. Thế nhưng, dù cả bộ máy đã vào cuộc, song cho đến nay, "thủ phạm" vẫn chưa được "chỉ mặt gọi tên".
Đốt nóng các cuộc hội thảo tìm giải pháp xử lý hiện tượng HLVBX rầm rộ giai đoạn vừa qua, vẫn là tranh luận chưa đi đến thống nhất của nhiều quan điểm, nhiều luồng ý kiến mà chuyên gia đầu ngành đưa ra. Kết quả kiểm tra độc lập (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) các dự án mắc "căn bệnh" HLVBX đều có cùng một số nguyên nhân. Thí dụ, tại dự án QL1A đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, công tác khảo sát thiết kế ngay từ giai đoạn lập dự án đến thiết kế kỹ thuật không thực hiện công tác cân xác định tải trọng trục xe; các khu vực có điều kiện tự nhiên, yếu tố sinh học khác nhau nhưng vẫn áp dụng cùng loại kết cấu áo đường; một số vị trí thiếu chiều dày kết cấu, thành phần hạt nhựa không bảo đảm, độ rỗng dư không đạt yêu cầu theo công thức phối trộn; việc kiểm soát đầu vào thiếu chặt choe, công nghệ thi công chưa phù hợp...
Còn theo điều tra thực tế của PV Báo Nhân Dân cuối tuần trên một số tuyến đường, thì những bất cập trong chất lượng thi công còn xuất phát từ việc cấp phối lớp móng đường, móng mặt đang bị "khoán trắng" cho các nhà thầu, mà thiếu sự kiểm soát. Thêm nữa, tình trạng xe quá tải "vượt trạm" vẫn xảy ra càng làm "oằn, lún" nhiều tuyến đường. Khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra về lựa chọn giải pháp kỹ thuật, thiết kế cho đến sử dụng chủng loại vật liệu cần chú trọng đến tính phân vùng vị trí theo địa hình, khí hậu, vẫn bị bỏ qua. Chính do "thói quen" về thiết kết và vấn đề giá thành nên hiện tại ở Việt Nam vẫn sử dụng một loại nhựa đường cho mọi con đường. Đặc biệt, một số người trong ngành GTVT còn chỉ ra thực tế, có nhà thầu, tư vấn giám sát, thiết kế ở một số đơn vị chưa thật sự "hiểu" về cấp phối hỗn hợp bê-tông nhựa (BTN) cũng như thiếu kinh nghiệm trong lựa chọn công nghệ, kỹ thuật mới trong thi công. Đó là chưa kể "vấn nạn" tư vấn giám sát thiếu trách nhiệm và tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ diễn ra khá phổ biến...
Vừa "kê đơn", vừa nghe ngóng
Trong khi các chuyên gia và nhà quản lý chưa đưa ra kết luận cuối cùng thì trên "thực địa" cả chủ đầu tư dự án lẫn nhà thầu không thể chờ đợi hơn. Vậy nên, có chủ dự án ví von giờ thì đành chữa bệnh hằn lún theo kiểu vừa kê đơn thuốc... vừa nghe ngóng.
Theo báo cáo kết quả kiểm định ngày 8-6 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, tại tuyến QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, nguyên nhân được xác định gây hư hỏng mặt đường tại chín vị trí là do thiếu chiều dày các lớp kết cấu áo đường (BTN lớp trên có 3/9 vị trí không đạt yêu cầu thiết kế cũng như sai số cho phép); chất lượng thi công các lớp kết cấu áo đường tại các vị trí kiểm tra không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật (liên kết giữa các hạt cốt liệu không tốt, màng nhựa bao phủ trên bề mặt các hạt cốt liệu lớn không đồng đều, không bao phủ hết bề mặt)...; nhiệt độ cao vào mùa hè và lưu lượng, tải trọng xe cũng là tác nhân làm tăng nhanh HLVBX. Hiện nay, để khắc phục tình trạng HLVBX, chủ đầu tư và nhà thầu đã khẩn trương khắc phục bằng những thử nghiệm mới để thảm lại BTN với hy vọng tìm ra được giải pháp từ thực tế ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của HLVBX.
Tuy vậy, qua quan sát có thể nhận thấy, ở một số điểm được thảm mới vẫn có dấu hiện hằn, lún trở lại. Điều này cho thấy tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề. Nếu không tìm được nguyên nhân và giải pháp khắc phục tận gốc thì những biện pháp tình thế không thể cứu được những con đường được đầu tư tốn kém và đầy kỳ vọng.
Chất lượng bập bênh cùng tiến độ
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành GTVT luôn chịu sức ép cao về tiến độ công trình. Khẩu hiệu "chất lượng và tiến độ" trở thành chỉ tiêu số một được Bộ GTVT giao cho mỗi dự án. Thế nhưng, thay vì song hành thẳng tiến, hai yếu tố "chất lượng" và "tiến độ" lại giống như "hai đầu của trò bập bênh", hiếm khi có được sự cân bằng!
Trên những cung đường mới - cũ, việc chạy đua "tiến độ" dường như đặt "chất lượng" vào sự phó mặc vô tình hay cố ý của cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Song, thực trạng tại hàng loạt dự án giao thông trên cả nước cho thấy, nhiều công trình được khen thưởng cán đích sớm, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước, nhưng khi đưa vào sử dụng "bỗng nhiên" bị xuống cấp, nghiêm trọng hơn thì hằn, lún gây mất an toàn giao thông... Và số tiền phải chi ra để xử lý hậu khánh thành chắc chắn không nhỏ!? Liệu rằng, ở những con đường được xây dựng với lời hô hào "nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, tạo động lực lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội của khu vực, địa phương...", chất lượng có đi đôi với tuyên bố và đồng tiền của người dân bỏ ra mua vé tham gia? Xem ra, đến bao giờ "bệnh" HLVBX sẽ được "điều trị" dứt điểm vẫn là câu hỏi khó vào lúc này!
Nhưng, có một thực tế không khó nhận ra. Nói như ông Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng HLVBX là do yếu tố chủ quan của con người. Điều này không mới, nhưng để giải quyết được nhiệm vụ "nâng cao đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong ngành GTVT" lại là chuyện không hề đơn giản. Bộ trưởng Đinh La Thăng nổi tiếng quyết liệt trong việc sử dụng cán bộ đi liền với trách nhiệm và hiệu quả công việc được giao. Cả ngành GTVT đang "cài số tiến" để "chiến đấu" với HLVBX. Nhưng nỗi bức xúc của người dân khi phải trả khoản phí vé tăng lên mà chất lượng đường thì cứ xuống cấp mãi, chẳng biết đến bao giờ mới được giải tỏa.
* Bộ GTVT yêu cầu các Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu có các dự án bịị hằn, lún vệt bánh xe phải tổ chức thi công khắc phục xong toàn bộ các vịị trí hư hỏng mặt đường trước ngày 30-7-2014.
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí tại Trạm thu phí hầm đường bộ Đèo Ngang kể từ 9 giờ ngày 10-7-2014 cho đến khi sửa chữa, khắc phục toàn bộ các hư hỏng trên tuyến đường.
* Ban Quản lý dự án 2 và Công ty cổ phần BOT Đại Dương chưa được thu phí dự án QL18 đoạn Hạ Long - Uông Bí do nhiều điểm trên tuyến đường bị hằn, lún.
HƯƠNG TRÀ - XÍCH TÙNG
Nguồn: Nhân dân cuối tuần
www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/23872002-dau-la-nguyen-nhan-gay-han-lun-vet-banh-xe.html%3Cbr%3E%3C/div%3E%3C/div%3E%3Cdiv